Latest Post

TP - Hệ lụy thủy điện ám ảnh cuộc sống người dân miền núi, nhất là khi mùa lũ cận kề. Trước thực trạng thủy điện bủa vây cùng những tác động tiêu cực, nhiều huyện nghèo của Nghệ An kêu cứu.
Toàn tỉnh Nghệ An có 47 dự án thủy điện với tổng công suất 1.407,1 MW đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Quá trình thực hiện đã tiến hành rà soát, loại bỏ, rút khỏi quy hoạch 15 dự án còn 32 dự án với 1.360,95 MW. Trong số đó, đã có 18 nhà máy đi vào phát điện với tổng công suất 892,9 MW, 1 dự án đang làm thủ tục tích nước, chạy thử, phát điện thương mại; 6 dự án đang thi công xây dựng; 3 dự án đang làm thủ tục đầu tư xây dựng. Chỉ tính riêng hai huyện Kỳ Sơn, Quế Phong đã có gần 20 dự án thủy điện. Nghịch lý là 5 huyện có 32 dự án thủy điện nhưng lại có tới 185 thôn bản chưa có điện.

UBND huyện Quế Phong vừa có công văn số 807/UBND-HN gửi Thường trực HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị trích lại một phần kinh phí từ nguồn thu từ các thủy điện. Quế Phong là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2019 chiếm  62,81%.
Trên địa bàn huyện có tới 10 dự án thủy điện (5 nhà máy thủy điện đã hoạt động, phát điện thương mại hòa vào lưới điện quốc gia). Việc xây dựng các nhà máy thủy điện làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cuộc sống người dân trên địa bàn. Điển hình là nhà máy thủy điện Hủa Na, quá trình xây dựng phải di dời cộng đồng dân cư rất lớn, gồm 13 điểm tái định cư với 878 hộ dân.
Một số công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống cấp nước sinh hoạt tự chảy, đường giao thông, trường học đã xuống cấp. Trong văn bản 807, huyện Quế Phong kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An trích 3-5% tiền thuế thu từ các nhà máy thủy điện cho ngân sách huyện Quế Phong hàng năm để hỗ trợ sửa chữa công trình hạ tầng tại các điểm tái định cư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân nơi đây. Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy thủy điện trích 1-2% doanh thu sau thuế hỗ trợ cho an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Trong phiên thảo luận tại các cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An mới đây, nhiều đại biểu thuộc khu vực 3 huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn có ý kiến về hệ lụy thủy điện gây ra. Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, mặc dù lãnh đạo tỉnh Nghệ An vào cuộc quyết liệt nhưng việc giải quyết hậu quả, tồn đọng của thủy điện vẫn còn rất lớn.
“Chúng ta đã nói rất nhiều, hệ lụy của thủy điện là rất lớn. Bây giờ các nhà máy không chỉ xả lũ vào mùa lũ mà không có lũ cũng xả. Xả không đúng quy trình làm chết người”, ông Hải bức xúc. Theo Bí thư Huyện ủy Tương Dương, thủy điện làm ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu hạ tầng, làm trôi và hư hại rất nhiều đường sá và nếu không tìm ra giải pháp, thời gian tới sẽ tiếp tục tái diễn, các huyện miền núi lại lo nơm nớp mỗi khi thủy điện xả lũ.
Làm rõ trách nhiệm
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phản ánh, lãnh đạo huyện cũng đang rất đau đầu vì các nhà máy thủy điện. Đặc biệt, huyện này có 2 dự án  “quy hoạch treo” trong gần 10 năm nay, khiến người dân vùng quy hoạch rất khổ sở. Ngoài ra, trong đợt mưa bão năm 2018, khi Thủy điện Bản Vẽ tích nước khiến mực nước dâng lên gây ngập nhà dân ở xã Mỹ Lý, sau đó thủy điện bất ngờ xả lũ mạnh khiến 19 nhà dân bị trôi tuột xuống lòng hồ.
Nhà máy thủy điện không chịu bồi thường dù chính quyền nhiều lần đề nghị. “Qua kiểm tra thì các thủy điện xả lũ đều đúng quy trình. Nhưng tại sao đúng quy trình lại gây thiệt hại lớn đến như vậy. Điều đó cho thấy vấn đề nằm ở cái quy trình. Các cơ quan liên quan phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn với thủy điện. Phải có biện pháp mạnh, dựa trên trách nhiệm pháp lý để yêu cầu thủy điện chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông nói. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án liên quan đến việc Thủy điện Nậm Nơn xả lũ không thông báo, gây chết người thời gian qua.   
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông đề nghị cơ quan liên quan có thái độ 
kiên quyết với thủy điện
Sở Công Thương Nghệ An vừa có công văn số 1164/SCT-QLNL gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thông tin truyền thông và báo Tiền Phong về việc xử lý vấn đề báo nêu trong bài viết “Dày đặc thủy điện: Vẫn thẩm định thêm dự án?”. Theo Sở này, hiện chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Tiền Phong đã dừng triển khai các bước về đầu tư, xây dựng theo quy định để chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nội dung liên quan đến diện tích đất rừng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Quế Phong là một trong 11 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An và là một trong 3 huyện đang thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”. Mới đây, cử tri huyện Quế Phong đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo xử lý, khắc phục việc chậm cấp phát nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các sở, ngành cho UBND huyện Quế Phong.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai tại Quế Phong. Ảnh: Hải Phong
Vẫn còn 36% hộ nghèo
Miền Tây tỉnh Nghệ An là nơi địa hình phức tạp, phần lớn là núi rừng, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai xảy ra liên miên, giao thông cách trở, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không phải vậy mà huyện Quế Phong dậm chân tại chỗ trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, huyện Quế Phong đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế của địa phương, tập trung sản xuất, góp phần đưa đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước giảm nghèo.

Là huyện đang thực hiện Nghị quyết 30a, nhưng Quế Phong có nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai, nhân rộng tại các xã. Cụ thể, 721ha cây dược liệu, 304ha cây ăn quả, 210ha cây chanh leo đem lại triển vọng gia tăng thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, huyện Quế Phong còn có hơn 145.000ha rừng tự nhiên và 2 khu bảo tồn thiên nhiên, công tác khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng đạt được nhiều kết quả tích cực...
Trên cơ sở thành công của các mô hình do những dự án phát triển kinh tế triển khai trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực, tạo liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Cơ bản là người dân đã dần thay đổi nhận thức, cách làm, từ làm để ăn nay chuyển sang làm hàng hóa để bán. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn 36% số hộ vẫn là hộ nghèo, số hộ cận nghèo còn cao; mới có 30% tuyến đường giao thông huyện, 21,7% đường xã được cứng hóa, đường từ xã xuống bản chủ yếu là đường đất; 36 thôn, bản chưa có điện lưới.
Theo phản ánh của người dân, việc cấp phát nguồn kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện thực hiện Nghị quyết 30a trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các sở, ngành cho UBND huyện Quế Phong chậm, ảnh hưởng đến việc cung ứng giống cây, con cho người dân. Cùng với đó, kinh phí của Chương trình xây dựng nông thôn mới còn thiếu hoặc được cấp nhỏ giọt, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu; các dự án thành phần cũng thiếu vốn, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.
Việc cấp kinh phí còn vướng mắc
Trước vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, hàng năm, căn cứ nguồn vốn Trung ương cấp, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo vốn để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đề xuất phương án phân bổ cho các huyện. Sau đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ra quyết định phân bổ nguồn vốn cho các huyện.
Sau khi các huyện được phân bổ nguồn vốn, sẽ tiến hành lập các dự án chi tiết theo quy định tại Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 9-10-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, phải tiến hành theo 4 bước là tuyên truyền, phổ biến dự án; tổ chức họp lấy ý kiến về nội dung dự án và lập danh sách đối tượng tham gia dự án; xây dựng dự án; phê duyệt dự án.
Trong quá trình thực hiện 4 bước nói trên, các địa phương phải trình giá các loại cây, con giống, vật tư, thiết bị, máy móc cần thiết... gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thẩm định để làm căn cứ xây dựng dự toán chi tiết cho từng dự án. Sau khi các huyện hoàn chỉnh quy trình lập dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nội dung chi tiết cho từng dự án để trình UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh thẩm định; trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành quyết định danh mục từng dự án cho các huyện để triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết thêm, từ các bước thực hiện trên cho thấy, quá trình giao kế hoạch vốn cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a khá c.h.ặt. chẽ. Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung phải qua nhiều bước, nhiều cấp nên mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc phân bổ vốn chậm.
Thực tế, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế giúp đồng bào vươn lên, bước đầu tạo đột phá trong phát triển kinh tế... Tuy nhiên, để giúp các huyện nằm trong chương trình 30a phát triển nhanh, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có các giải pháp tổng thể để góp phần giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo.

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.