Latest Post

Quế Phong là một trong 11 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An và là một trong 3 huyện đang thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”. Mới đây, cử tri huyện Quế Phong đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo xử lý, khắc phục việc chậm cấp phát nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các sở, ngành cho UBND huyện Quế Phong.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai tại Quế Phong. Ảnh: Hải Phong
Vẫn còn 36% hộ nghèo
Miền Tây tỉnh Nghệ An là nơi địa hình phức tạp, phần lớn là núi rừng, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai xảy ra liên miên, giao thông cách trở, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không phải vậy mà huyện Quế Phong dậm chân tại chỗ trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, huyện Quế Phong đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế của địa phương, tập trung sản xuất, góp phần đưa đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước giảm nghèo.

Là huyện đang thực hiện Nghị quyết 30a, nhưng Quế Phong có nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai, nhân rộng tại các xã. Cụ thể, 721ha cây dược liệu, 304ha cây ăn quả, 210ha cây chanh leo đem lại triển vọng gia tăng thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, huyện Quế Phong còn có hơn 145.000ha rừng tự nhiên và 2 khu bảo tồn thiên nhiên, công tác khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng đạt được nhiều kết quả tích cực...
Trên cơ sở thành công của các mô hình do những dự án phát triển kinh tế triển khai trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực, tạo liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Cơ bản là người dân đã dần thay đổi nhận thức, cách làm, từ làm để ăn nay chuyển sang làm hàng hóa để bán. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn 36% số hộ vẫn là hộ nghèo, số hộ cận nghèo còn cao; mới có 30% tuyến đường giao thông huyện, 21,7% đường xã được cứng hóa, đường từ xã xuống bản chủ yếu là đường đất; 36 thôn, bản chưa có điện lưới.
Theo phản ánh của người dân, việc cấp phát nguồn kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện thực hiện Nghị quyết 30a trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các sở, ngành cho UBND huyện Quế Phong chậm, ảnh hưởng đến việc cung ứng giống cây, con cho người dân. Cùng với đó, kinh phí của Chương trình xây dựng nông thôn mới còn thiếu hoặc được cấp nhỏ giọt, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu; các dự án thành phần cũng thiếu vốn, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.
Việc cấp kinh phí còn vướng mắc
Trước vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, hàng năm, căn cứ nguồn vốn Trung ương cấp, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo vốn để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đề xuất phương án phân bổ cho các huyện. Sau đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ra quyết định phân bổ nguồn vốn cho các huyện.
Sau khi các huyện được phân bổ nguồn vốn, sẽ tiến hành lập các dự án chi tiết theo quy định tại Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 9-10-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, phải tiến hành theo 4 bước là tuyên truyền, phổ biến dự án; tổ chức họp lấy ý kiến về nội dung dự án và lập danh sách đối tượng tham gia dự án; xây dựng dự án; phê duyệt dự án.
Trong quá trình thực hiện 4 bước nói trên, các địa phương phải trình giá các loại cây, con giống, vật tư, thiết bị, máy móc cần thiết... gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thẩm định để làm căn cứ xây dựng dự toán chi tiết cho từng dự án. Sau khi các huyện hoàn chỉnh quy trình lập dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nội dung chi tiết cho từng dự án để trình UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh thẩm định; trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành quyết định danh mục từng dự án cho các huyện để triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết thêm, từ các bước thực hiện trên cho thấy, quá trình giao kế hoạch vốn cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a khá c.h.ặt. chẽ. Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung phải qua nhiều bước, nhiều cấp nên mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc phân bổ vốn chậm.
Thực tế, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế giúp đồng bào vươn lên, bước đầu tạo đột phá trong phát triển kinh tế... Tuy nhiên, để giúp các huyện nằm trong chương trình 30a phát triển nhanh, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có các giải pháp tổng thể để góp phần giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo.

20 tuổi, không chí thú làm ăn chân chính, Thò Bá Thái đã tham gia đường dây ma túy ở Nghệ An. Thời điểm đó, Thái bị bắt và kết án 15 năm tù giam về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Không lấy đó làm bài học nhãn tiền, nam thanh niên này tiếp tục sa chân vào con đường tội lỗi. Khi đang vận chuyển thuê số lượng ma túy lớn, Thái bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Bị cáo Thò Bá Thái khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Vận chuyển ma túy thuê
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Thò Bá Thái (SN 1988, trú tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Phiên tòa xét xử Thò Bá Thái không có một bóng dáng của người thân. Thái đã dùng cả tuổi thanh xuân để trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Trong khi bạn bè đều đã có vợ con đuề huề, công việc ổn định thì Thái vẫn hai bàn tay trắng và sắp phải đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Được biết, Thò Bá Thái sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Quế Phong. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên học đến lớp 3, Thái nghỉ học giữa chừng. Cuộc sống Thái gắn liền với nương rẫy. Thò Bá Thái từng là niềm hy vọng đối với bố mẹ. Họ hy vọng đứa con trai này tương lai sẽ là trụ cột trong nhà, sẽ là chỗ dựa vững chắc khi họ toan về già.
Thế nhưng lớn lên, nam thanh niên này không chí thú làm ăn chân chính mà theo bạn xấu lêu lổng. Để có tiền tiêu xài, Thò Bá Thái gia nhập vào đường dây mua bán ma túy ở trên địa bàn Nghệ An. Năm 2008, nam thanh niên này bị bắt và sau đó bị TAND tỉnh Nghệ An xử phạt 15 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Do cố gắng cải tạo tốt nên sau nhiều lần giảm án vào tháng 3/2018, nam thanh niên này được mãn hạn tù trước thời hạn. Trong thời gian con trai đi tù, bố mẹ Thái đã không còn nữa.
Tưởng rằng, trong thời gian ở trong tù, Thò Bá Thái đã hoàn lương và thực sự muốn trở thành công dân tốt, làm lại cuộc đời. Dẫu cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng anh chị em luôn động viên Thái cố gắng trở thành công dân tốt và sớm lập gia đình. 
Thế nhưng, Thò Bá Thái không lấy đó làm bài học nhãn tiền mà tiếp tục sa chân vào con đường tội lỗi. Lần này, Thái cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Theo cáo trạng, chiều tối 24/2, Thò Bá Thái đi bộ từ bản Mờ, xã Châu Phong sang xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để chơi. Trên đường đi Thò Bá Thái gặp 2 người đàn ông người Lào (không rõ địa chỉ, lai lịch). Qua trò chuyện, 2 người này thuê Thái đem 1 gói ma túy đến khu vực ngã ba Phú Phương, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong để giao cho khách.
Hai người này cho biết, sẽ trả cho Thò Bá Thái 5 triệu đồng tiền công sau một lần giao hàng. Không thoát khỏi sự cám dỗ, Thò Bá Thái đồng ý ngay không do dự. Hai người đàn ông người Lào cho số điện của khách để tiện giao dịch. Thò Bá Thái đã liên lạc với khách và hẹn ngày để giao hàng.
Vào 19h ngày 24/2/2019, khi Thò Bá Thái cầm 1 túi nilon màu đen đi bộ xuống quốc lộ bắt xe đến ngã ba Phú Phương, xã Tiền Phong để giao ma túy cho khách thì bất ngờ bị Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bắt giữ cùng tang vật. Theo kết quả giám định, tổng khối lượng ma túy thu giữ là 149g heroin.
Đánh đổi tương lai bằng 5 triệu đồng
Tại phiên tòa, bị cáo Thò Bá Thái đã cúi đầu nhận tội và khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Bị cáo cho biết hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết nên mới làm liều. Bị cáo không biết tội Vận chuyển ma túy lại phải đối diện với mức án cao đến như vậy. 
Tại phiên tòa, bị cáo Thò Bá Thái cho biết sau khi ra tù đã đổi tên khác với mong muốn cuộc đời sẽ may mắn hơn. Thế nhưng, vận đen cứ ám lấy bị cáo cho đến tận bây giờ. Với hành vi vận chuyển ma túy, vị đại diện VKSND đã đề nghị mức án dành cho Thái là 20 năm tù.
“Bị cáo biết hành vi mình là sai rồi. Mong HĐXX cho bị cáo cơ hội để sửa sai. Bị cáo đã hối hận về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo chưa có vợ, con, mong HĐXX cho bị cáo cơ hội để làm lại cuộc đời. Bị cáo có lỗi với bố mẹ mình lắm. Trong phi vụ này, bị cáo cũng chưa nhận được 5 triệu đồng tiền công như đã thỏa thuận trước đó”, bị cáo Thò Bá Thái lí nhí nói.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra bị cáo Thò Bá Thái đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội... là tình tiết giảm nhẹ.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Thò Bá Thái 20 năm về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Đối với 2 người đàn ông quốc tịch Lào do Thái không biết địa chỉ cụ thể nên không có cơ sở để xác minh làm rõ. Giờ nghị án, Thò Bá Thái ngồi gục xuống ôm mặt khóc và nói điều gì đó bằng tiếng dân tộc.
Sau khi tuyên án, Thái được cán bộ dẫn giải đưa về trại giam. Bị cáo cố gắng ngoái đầu lại xem có người thân nào tiễn biệt mình không. Chỉ vì 5 triệu đồng tiền công, Thò Bá Thái đã đánh đổi cả tương lai của mình ở trong tù. 20 năm tù là quãng thời gian quá dài khi Thái đã bước sang tuổi 31. Dù Thái có thay đổi bao nhiêu cái tên đi nữa nếu không chịu sám hối thì cuộc đời sẽ càng bi đát hơn mà thôi.
Nguồn: Hà Hằng (Pháp luật & Đời sống)
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 115

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.