2019

Một mình sang Lào, Thái Lan để tìm kiếm thị trường và kết nối với các tiểu thương kinh doanh sản phẩm dệt thổ cẩm để đưa dệt thổ cẩm dân tộc Thái xuất ngoại. Đó là câu chuyện đầy quyết tâm của chàng trai dân tộc Thái, Hà Văn Thanh ở xã Mường Nọc, huyện Quế Phong (Nghệ An) trên con đường tìm lại chỗ đứng cho dệt thổ cẩm của quê nhà.

Sinh ra trong cái nôi văn hóa Thái, Hà Văn Thanh thấu hiểu rõ nét văn hóa đặc trưng của người Thái. Trong đó có khung dệt của bà, của mẹ để làm ra được những tấmthổ cẩm tinh xảo.

Trong văn hóa của người Thái, nghề dệt truyền thống chỉ được truyền dạy cho con gái, vì thế Thanh không được mẹ dạy nghề dệt. Thời gian cứ thế trôi qua, khi trưởng thành, Thanh nhận thấy trong cuộc sống thường nhật hình ảnh những bé gái 13, 14 tuổi không còn cầm kim chỉ để thêu, không còn ngồi bên khung dệt nữa. Điều đó khiến một người yêu văn hóa dân tộc như Thanh không thể không suy nghĩ.
Với trăn trở của bản thân, Hà Văn Thanh đã tìm đến những vị cao niên trong bản, trong xã để xin được học cách dệt và cách nhuộm vải của các bà. Sau khi được truyền dạy, Thanh đã quay về động viên, hướng dẫn lại cho các chị em trong xã học theo và đứng ra để thu mua các sản phẩm đó.
“Để thuyết phục mọi người quay lại với khung dệt rất khó. Lúc đầu tôi đã mang gạo, nước mắm, mì chính… để đổi lấy những tấm vải dệt. Sau nhiều lần, bà con nhận ra nếu dệt vải thì sẽ đổi được hoặc bán lấy tiền để mua những thứ gia đình mình cần. Từ đó, phong trào dệt vải để bán cho tôi dần được đông đảo chị em hưởng ứng”, Thanh kể lại.
Hà Văn Thanh cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến bà con bỏ nghề đó chính là nhu cầu sinh kế, khi thị trường lao động có nhiều việc làm cho thu nhập cao hơn thay vì ngồi cả ngày để dệt vải. Vì thế, để bà con giữ nghề bắt buộc phải có được giá trị kinh tế từ những tấm thổ cẩm đó.
Trước thách thức ấy, tháng 2/2018, Hà Văn Thanh đã tự sang Lào, Thái Lan để kết nối thị trường với “tham vọng” đưa sản phẩm của bà con quê mình bày bán tại nước bạn. Với những nỗ lực của mình, Thanh đã thành công, khi giờ đây những tấm thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ở Quế Phong đã được xuất ngoại. 
Để các sản phẩm dệt có được chỗ đứng, bản thân Thanh đã tự nghiên cứu, tìm tòi những họa tiết truyền thống, sau đó kết hợp với những họa tiết hiện đại để cho ra những tấm thổ cẩm vừa mang đậm màu sắc truyền thống nhưng vẫn thời thượng. “Nếu trước đây, các sản phẩm dệt có họa tiết đơn giản, thì bây giờ họa tiết đã đa dạng, bắt mắt hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng”, Thanh cho biết.
Hiện nay, trên địa bàn xã Quế Phong có khoảng 30 chị em tham gia vào tổ dệt và cung cấp đều đặn các sản phẩm cho Thanh. Hằng tháng, mỗi chị em thu nhập thêm 1,5 - 2 triệu đồng. “Khoản thu nhập này tuy chưa cao, nhưng cũng là động lực để bà con quê mình quay lại bên khung dệt, từ đó góp phần bảo tồn được văn hóa của dân tộc. Nếu trước đây trong huyện chỉ còn vài gia đình dệt vải, thì giờ tiếng khung dệt đã rộn ràng hơn trong mỗi bản làng của người Thái”, Thanh chia sẻ.
Thời gian tới, Thanh dự định sẽ thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm để mở rộng thị trường cho sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Thái.
Theo Hồng Minh
(Baodantoc.vn)

TP - Hệ lụy thủy điện ám ảnh cuộc sống người dân miền núi, nhất là khi mùa lũ cận kề. Trước thực trạng thủy điện bủa vây cùng những tác động tiêu cực, nhiều huyện nghèo của Nghệ An kêu cứu.
Toàn tỉnh Nghệ An có 47 dự án thủy điện với tổng công suất 1.407,1 MW đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Quá trình thực hiện đã tiến hành rà soát, loại bỏ, rút khỏi quy hoạch 15 dự án còn 32 dự án với 1.360,95 MW. Trong số đó, đã có 18 nhà máy đi vào phát điện với tổng công suất 892,9 MW, 1 dự án đang làm thủ tục tích nước, chạy thử, phát điện thương mại; 6 dự án đang thi công xây dựng; 3 dự án đang làm thủ tục đầu tư xây dựng. Chỉ tính riêng hai huyện Kỳ Sơn, Quế Phong đã có gần 20 dự án thủy điện. Nghịch lý là 5 huyện có 32 dự án thủy điện nhưng lại có tới 185 thôn bản chưa có điện.

UBND huyện Quế Phong vừa có công văn số 807/UBND-HN gửi Thường trực HĐND, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị trích lại một phần kinh phí từ nguồn thu từ các thủy điện. Quế Phong là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo năm 2019 chiếm  62,81%.
Trên địa bàn huyện có tới 10 dự án thủy điện (5 nhà máy thủy điện đã hoạt động, phát điện thương mại hòa vào lưới điện quốc gia). Việc xây dựng các nhà máy thủy điện làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, cuộc sống người dân trên địa bàn. Điển hình là nhà máy thủy điện Hủa Na, quá trình xây dựng phải di dời cộng đồng dân cư rất lớn, gồm 13 điểm tái định cư với 878 hộ dân.
Một số công trình hạ tầng thiết yếu như hệ thống cấp nước sinh hoạt tự chảy, đường giao thông, trường học đã xuống cấp. Trong văn bản 807, huyện Quế Phong kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An trích 3-5% tiền thuế thu từ các nhà máy thủy điện cho ngân sách huyện Quế Phong hàng năm để hỗ trợ sửa chữa công trình hạ tầng tại các điểm tái định cư, hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân nơi đây. Đồng thời, chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy thủy điện trích 1-2% doanh thu sau thuế hỗ trợ cho an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Trong phiên thảo luận tại các cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An mới đây, nhiều đại biểu thuộc khu vực 3 huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn có ý kiến về hệ lụy thủy điện gây ra. Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương cho rằng, mặc dù lãnh đạo tỉnh Nghệ An vào cuộc quyết liệt nhưng việc giải quyết hậu quả, tồn đọng của thủy điện vẫn còn rất lớn.
“Chúng ta đã nói rất nhiều, hệ lụy của thủy điện là rất lớn. Bây giờ các nhà máy không chỉ xả lũ vào mùa lũ mà không có lũ cũng xả. Xả không đúng quy trình làm chết người”, ông Hải bức xúc. Theo Bí thư Huyện ủy Tương Dương, thủy điện làm ảnh hưởng rất lớn đến kết cấu hạ tầng, làm trôi và hư hại rất nhiều đường sá và nếu không tìm ra giải pháp, thời gian tới sẽ tiếp tục tái diễn, các huyện miền núi lại lo nơm nớp mỗi khi thủy điện xả lũ.
Làm rõ trách nhiệm
Ông Nguyễn Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn phản ánh, lãnh đạo huyện cũng đang rất đau đầu vì các nhà máy thủy điện. Đặc biệt, huyện này có 2 dự án  “quy hoạch treo” trong gần 10 năm nay, khiến người dân vùng quy hoạch rất khổ sở. Ngoài ra, trong đợt mưa bão năm 2018, khi Thủy điện Bản Vẽ tích nước khiến mực nước dâng lên gây ngập nhà dân ở xã Mỹ Lý, sau đó thủy điện bất ngờ xả lũ mạnh khiến 19 nhà dân bị trôi tuột xuống lòng hồ.
Nhà máy thủy điện không chịu bồi thường dù chính quyền nhiều lần đề nghị. “Qua kiểm tra thì các thủy điện xả lũ đều đúng quy trình. Nhưng tại sao đúng quy trình lại gây thiệt hại lớn đến như vậy. Điều đó cho thấy vấn đề nằm ở cái quy trình. Các cơ quan liên quan phải có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn với thủy điện. Phải có biện pháp mạnh, dựa trên trách nhiệm pháp lý để yêu cầu thủy điện chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông nói. Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho hay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án liên quan đến việc Thủy điện Nậm Nơn xả lũ không thông báo, gây chết người thời gian qua.   
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Văn Thông đề nghị cơ quan liên quan có thái độ 
kiên quyết với thủy điện
Sở Công Thương Nghệ An vừa có công văn số 1164/SCT-QLNL gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thông tin truyền thông và báo Tiền Phong về việc xử lý vấn đề báo nêu trong bài viết “Dày đặc thủy điện: Vẫn thẩm định thêm dự án?”. Theo Sở này, hiện chủ đầu tư dự án nhà máy thủy điện Tiền Phong đã dừng triển khai các bước về đầu tư, xây dựng theo quy định để chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý nội dung liên quan đến diện tích đất rừng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. 

Quế Phong là một trong 11 huyện miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An và là một trong 3 huyện đang thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo”. Mới đây, cử tri huyện Quế Phong đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo xử lý, khắc phục việc chậm cấp phát nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các sở, ngành cho UBND huyện Quế Phong.
Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai tại Quế Phong. Ảnh: Hải Phong
Vẫn còn 36% hộ nghèo
Miền Tây tỉnh Nghệ An là nơi địa hình phức tạp, phần lớn là núi rừng, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai xảy ra liên miên, giao thông cách trở, đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không phải vậy mà huyện Quế Phong dậm chân tại chỗ trong phát triển kinh tế - xã hội. Thời gian qua, huyện Quế Phong đã nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy lợi thế của địa phương, tập trung sản xuất, góp phần đưa đồng bào các dân tộc thiểu số từng bước giảm nghèo.

Là huyện đang thực hiện Nghị quyết 30a, nhưng Quế Phong có nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao đang được triển khai, nhân rộng tại các xã. Cụ thể, 721ha cây dược liệu, 304ha cây ăn quả, 210ha cây chanh leo đem lại triển vọng gia tăng thu nhập cho bà con. Bên cạnh đó, huyện Quế Phong còn có hơn 145.000ha rừng tự nhiên và 2 khu bảo tồn thiên nhiên, công tác khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc và trồng rừng đạt được nhiều kết quả tích cực...
Trên cơ sở thành công của các mô hình do những dự án phát triển kinh tế triển khai trên địa bàn, huyện sẽ tiếp tục bổ sung nguồn lực, tạo liên kết với doanh nghiệp để giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cho nông dân. Cơ bản là người dân đã dần thay đổi nhận thức, cách làm, từ làm để ăn nay chuyển sang làm hàng hóa để bán. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn 36% số hộ vẫn là hộ nghèo, số hộ cận nghèo còn cao; mới có 30% tuyến đường giao thông huyện, 21,7% đường xã được cứng hóa, đường từ xã xuống bản chủ yếu là đường đất; 36 thôn, bản chưa có điện lưới.
Theo phản ánh của người dân, việc cấp phát nguồn kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện thực hiện Nghị quyết 30a trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thời gian qua của các sở, ngành cho UBND huyện Quế Phong chậm, ảnh hưởng đến việc cung ứng giống cây, con cho người dân. Cùng với đó, kinh phí của Chương trình xây dựng nông thôn mới còn thiếu hoặc được cấp nhỏ giọt, mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu; các dự án thành phần cũng thiếu vốn, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.
Việc cấp kinh phí còn vướng mắc
Trước vấn đề này, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An cho biết, hàng năm, căn cứ nguồn vốn Trung ương cấp, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo vốn để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đề xuất phương án phân bổ cho các huyện. Sau đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh cho ý kiến. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ra quyết định phân bổ nguồn vốn cho các huyện.
Sau khi các huyện được phân bổ nguồn vốn, sẽ tiến hành lập các dự án chi tiết theo quy định tại Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT ngày 9-10-2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn một số nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, phải tiến hành theo 4 bước là tuyên truyền, phổ biến dự án; tổ chức họp lấy ý kiến về nội dung dự án và lập danh sách đối tượng tham gia dự án; xây dựng dự án; phê duyệt dự án.
Trong quá trình thực hiện 4 bước nói trên, các địa phương phải trình giá các loại cây, con giống, vật tư, thiết bị, máy móc cần thiết... gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thẩm định để làm căn cứ xây dựng dự toán chi tiết cho từng dự án. Sau khi các huyện hoàn chỉnh quy trình lập dự án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nội dung chi tiết cho từng dự án để trình UBND tỉnh xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh thẩm định; trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành quyết định danh mục từng dự án cho các huyện để triển khai thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Ngọc Hoa cho biết thêm, từ các bước thực hiện trên cho thấy, quá trình giao kế hoạch vốn cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a khá c.h.ặt. chẽ. Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung phải qua nhiều bước, nhiều cấp nên mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc phân bổ vốn chậm.
Thực tế, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quế Phong nói riêng đã tích cực huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế giúp đồng bào vươn lên, bước đầu tạo đột phá trong phát triển kinh tế... Tuy nhiên, để giúp các huyện nằm trong chương trình 30a phát triển nhanh, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có các giải pháp tổng thể để góp phần giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo.

20 tuổi, không chí thú làm ăn chân chính, Thò Bá Thái đã tham gia đường dây ma túy ở Nghệ An. Thời điểm đó, Thái bị bắt và kết án 15 năm tù giam về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Không lấy đó làm bài học nhãn tiền, nam thanh niên này tiếp tục sa chân vào con đường tội lỗi. Khi đang vận chuyển thuê số lượng ma túy lớn, Thái bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Bị cáo Thò Bá Thái khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Vận chuyển ma túy thuê
Mới đây, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Thò Bá Thái (SN 1988, trú tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Phiên tòa xét xử Thò Bá Thái không có một bóng dáng của người thân. Thái đã dùng cả tuổi thanh xuân để trả giá cho hành vi phạm tội của mình. Trong khi bạn bè đều đã có vợ con đuề huề, công việc ổn định thì Thái vẫn hai bàn tay trắng và sắp phải đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật.
Được biết, Thò Bá Thái sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Quế Phong. Vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên học đến lớp 3, Thái nghỉ học giữa chừng. Cuộc sống Thái gắn liền với nương rẫy. Thò Bá Thái từng là niềm hy vọng đối với bố mẹ. Họ hy vọng đứa con trai này tương lai sẽ là trụ cột trong nhà, sẽ là chỗ dựa vững chắc khi họ toan về già.
Thế nhưng lớn lên, nam thanh niên này không chí thú làm ăn chân chính mà theo bạn xấu lêu lổng. Để có tiền tiêu xài, Thò Bá Thái gia nhập vào đường dây mua bán ma túy ở trên địa bàn Nghệ An. Năm 2008, nam thanh niên này bị bắt và sau đó bị TAND tỉnh Nghệ An xử phạt 15 năm tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy. Do cố gắng cải tạo tốt nên sau nhiều lần giảm án vào tháng 3/2018, nam thanh niên này được mãn hạn tù trước thời hạn. Trong thời gian con trai đi tù, bố mẹ Thái đã không còn nữa.
Tưởng rằng, trong thời gian ở trong tù, Thò Bá Thái đã hoàn lương và thực sự muốn trở thành công dân tốt, làm lại cuộc đời. Dẫu cuộc sống còn muôn vàn khó khăn nhưng anh chị em luôn động viên Thái cố gắng trở thành công dân tốt và sớm lập gia đình. 
Thế nhưng, Thò Bá Thái không lấy đó làm bài học nhãn tiền mà tiếp tục sa chân vào con đường tội lỗi. Lần này, Thái cũng không thoát khỏi sự cám dỗ của “nàng tiên nâu”. Theo cáo trạng, chiều tối 24/2, Thò Bá Thái đi bộ từ bản Mờ, xã Châu Phong sang xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để chơi. Trên đường đi Thò Bá Thái gặp 2 người đàn ông người Lào (không rõ địa chỉ, lai lịch). Qua trò chuyện, 2 người này thuê Thái đem 1 gói ma túy đến khu vực ngã ba Phú Phương, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong để giao cho khách.
Hai người này cho biết, sẽ trả cho Thò Bá Thái 5 triệu đồng tiền công sau một lần giao hàng. Không thoát khỏi sự cám dỗ, Thò Bá Thái đồng ý ngay không do dự. Hai người đàn ông người Lào cho số điện của khách để tiện giao dịch. Thò Bá Thái đã liên lạc với khách và hẹn ngày để giao hàng.
Vào 19h ngày 24/2/2019, khi Thò Bá Thái cầm 1 túi nilon màu đen đi bộ xuống quốc lộ bắt xe đến ngã ba Phú Phương, xã Tiền Phong để giao ma túy cho khách thì bất ngờ bị Công an huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An bắt giữ cùng tang vật. Theo kết quả giám định, tổng khối lượng ma túy thu giữ là 149g heroin.
Đánh đổi tương lai bằng 5 triệu đồng
Tại phiên tòa, bị cáo Thò Bá Thái đã cúi đầu nhận tội và khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Bị cáo cho biết hoàn cảnh khó khăn, thiếu hiểu biết nên mới làm liều. Bị cáo không biết tội Vận chuyển ma túy lại phải đối diện với mức án cao đến như vậy. 
Tại phiên tòa, bị cáo Thò Bá Thái cho biết sau khi ra tù đã đổi tên khác với mong muốn cuộc đời sẽ may mắn hơn. Thế nhưng, vận đen cứ ám lấy bị cáo cho đến tận bây giờ. Với hành vi vận chuyển ma túy, vị đại diện VKSND đã đề nghị mức án dành cho Thái là 20 năm tù.
“Bị cáo biết hành vi mình là sai rồi. Mong HĐXX cho bị cáo cơ hội để sửa sai. Bị cáo đã hối hận về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo chưa có vợ, con, mong HĐXX cho bị cáo cơ hội để làm lại cuộc đời. Bị cáo có lỗi với bố mẹ mình lắm. Trong phi vụ này, bị cáo cũng chưa nhận được 5 triệu đồng tiền công như đã thỏa thuận trước đó”, bị cáo Thò Bá Thái lí nhí nói.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, tại phiên tòa cũng như trong quá trình điều tra bị cáo Thò Bá Thái đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội... là tình tiết giảm nhẹ.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt Thò Bá Thái 20 năm về tội Vận chuyển trái phép chất ma túy. Đối với 2 người đàn ông quốc tịch Lào do Thái không biết địa chỉ cụ thể nên không có cơ sở để xác minh làm rõ. Giờ nghị án, Thò Bá Thái ngồi gục xuống ôm mặt khóc và nói điều gì đó bằng tiếng dân tộc.
Sau khi tuyên án, Thái được cán bộ dẫn giải đưa về trại giam. Bị cáo cố gắng ngoái đầu lại xem có người thân nào tiễn biệt mình không. Chỉ vì 5 triệu đồng tiền công, Thò Bá Thái đã đánh đổi cả tương lai của mình ở trong tù. 20 năm tù là quãng thời gian quá dài khi Thái đã bước sang tuổi 31. Dù Thái có thay đổi bao nhiêu cái tên đi nữa nếu không chịu sám hối thì cuộc đời sẽ càng bi đát hơn mà thôi.
Nguồn: Hà Hằng (Pháp luật & Đời sống)
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 115

Tạm giữ Giấy phép lái xe và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe là những biện pháp được sử dụng trong xử phạt vi phạm giao thông. Bản chất tạm giữ và tước Giấy phép lái xe khác nhau thế nào?
Ảnh minh họa

Tiêu chí
Tạm giữ Giấy phép lái xe
Tước Giấy phép lái xe
Bản chất
Là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo hoặc phạt tiền

Là biện pháp ngăn chặn để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt
(khoản 2 Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP)
Trường hợp áp dụng
Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn là hình thức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông
(Điều 25 Luật Xử lý vi phạm hành chính)
Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự:
- Giấy phép lái xe;
- Hoặc giấy phép lưu hành phương tiện;
- Hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện.
Thời hạn
- Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng - 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực.
- Người có thẩm quyền xử phạt giữ giấy phép lái xe trong thời hạn tước quyền sử dụng.
- Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe là 07 ngày, có thể kéo dài tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày tạm giữ đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh.
Lưu ý: 
Thời hạn tạm giữ giấy phép lái xe cho đến khi cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt theo thời hạn được ghi tại biên bản xử phạt.
Hậu quả
Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe thì cá nhân, tổ chức không được lái xe tham gia giao thông.
- Trong thời hạn bị tạm giữ thì cá nhân, tổ chức vẫn được phép điều khiển phương tiện.
Việc tạm giữ giấy phép lái xe không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng giấy phép.
- Nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản, người vi phạm chưa đến để giải quyết mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

Như vậy, điểm khác biệt quan trọng nhất giữa tạm giữ và tước Giấy phép lái xe là khi bị tạm giữ Giấy phép lái xe người vi phạm vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn tước Giấy phép lái xe thì không.
Theo Luatvietnam.vn

Ngày 15/7/2019, đại diện diễn đàn “Quán Chiêu Văn” và lãnh đạo huyện Quế Phong cùng xã Châu Kim tổ chức bàn giao nhà tình nghĩa (trị giá 50 triệu đồng) và trao tặng quà (giá trị 10 triệu đồng) cho cụ bà Lương Thị Thi, người già neo đơn.

Trao tặng Nhà tình nghĩa cho cụ Lương Thị Thi. Ảnh: Hùng Cường
Cụ Lương Thị Thi, 77 tuổi, ở bản Piếng Chào, xã Châu Kim, huyện Quế Phong, sống một mình trong túp lều rách nát, sống nhờ vào trợ cấp chế độ  dành cho người già neo đơn. Trước hoàn cảnh đó, những thành viên trong diễn đàn “Quán Chiêu Văn – là diễn đàn dành cho những người yêu văn chương đã quyên góp tiền ủng hộ (60 triệu đồng) thông qua việc phát hành những tác phẩm văn chương của các thành viên.
Sau gần 2 tháng xây dựng, ngôi nhà cấp 4 rộng 2 gian cùng sân láng xi măng đã hoàn thành. Hoạt động ý nghĩa này giúp bà Lương Thị Thi yên tâm ổn định cuộc sống.
Nguồn: Hùng Cường (Báo Nghệ An)

Nằm sát vườn thực vật ngoại vi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, cách Quốc lộ 48 B – Cầu Nậm Niên chừng 04km,  thác “Tạt Niên” giữ nguyên vẻ hoang sơ, tiềm ẩn nhiều điều thú vị đang chờ được khám phá.

Đặc biệt, đến với Tạt Niên, bạn có thể khám phá những trải nghiêm thú vị như của bà con người Thái – Bản Na Câng như: Quăng chài, lặn ngắm cá dưới chân thác, nấu cơm lam, uống rượu cần và nhiều điều thú vị của người dân nơi đây.
Dưới đây là một số hình ảnh về thác Tạt Niên:
Một góc đường lên thác Tạt Niên

Thác Tạt Niên, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn
Các em  nhỏ tắm thác 
     Clip toàn cảnh Thác Tạt Niên:


Hám 5 triệu đồng tiền công, Thò Bá Thái (trú huyện Quế Phong, Nghệ An) đã nhận lời vận chuyển ma túy cho 2 người đàn ông Lào. Khi “phi vụ” chưa thành thì người đàn ông này đã bị lực lượng công an bắt giữ.

Ngày 15/7, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Thò Bá Thái (SN 1988), trú tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Theo cáo trạng, chiều 24/2, Thò Bá Thái đi bộ từ bản Mờ, xã Châu Phong sang xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để chơi. Khi đi qua khu vực rừng thuộc xã Tri Lễ, Thái gặp 2 người đàn ông dân tộc Mông (Quốc tịch Lào).

Bị cáo Thò Bá Thái. Ảnh: Nguyễn Dương
Qua trò chuyện, 2 người này thuê Thái đem 1 gói ma túy đến khu vực ngã ba Phú Phương, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong để giao dịch cho khách. Nếu “phi vụ” thành công, Thái sẽ được trả 5 triệu đồng tiền công.


Thái đồng ý và cho người Lào số điện thoại để tiện liên lạc. Người Lào dặn Thái “Khi nào đến nơi sẽ có người gọi điện để lấy hàng, xong việc về đây trả tiền công”.
Tuy nhiên, trong lúc Thái cầm 1 túi nilon màu đen đi bộ xuống quốc lộ bắt xe đến ngã ba Phú Phương, xã Tiền Phong để giao ma túy cho khách thì bất ngờ bị Công an huyện Quỳnh Lưu bắt giữ cùng tang vật. Theo kết quả giám định, tổng khối lượng ma túy thu giữ là 149g heroin.

Tại phiên tòa, bị cáo Thò Bá Thái đã cúi đầu nhận tội và khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Bị cáo cho biết do trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết và bản thân hám lợi nên đã sa vào con đường phạm tội. Được biết, năm 2008, Thò Bá Thái bị TAND tỉnh Nghệ An xử phạt 15 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Đến 3/10/2018, Thái chấp hành xong hình phạt tù.

Căn cứ vào các tình tiết tại phiên tòa, HĐXX tuyên phạt Thò Bá Thái 20 năm tù về tội “Vận chuyển trái phép chất ma túy”.                                                                                         

Theo Nguyễn Dương  (baonghean.vn)

Ngày 15/7, UBND huyện Quế Phong ban hành Quyết định số 414/QĐ-UBND Công bố bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bạn xã Nậm Nhoóng. Đây là xã thứ 8 /14 xã, thị của huyện bị mắc bệnh.

Bài viết liên quan:

Ông: Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng Trạm Thý ý huyện Quế Phong cho biết: “Ngày 14/7, hộ ông Ốc Văn Phú ở bản Huồi Cam, xã Nậm Nhoóng, Quế Phong có tổng đàn lợn là 10 con đều bị chết, trọng lượng đàn là 195 kg. Chúng tôi lấy mẫu gửi đi xét nghiệm ở Chi cục Thú y vùng III ngay, đến sáng hôm nay, ngày 15/7, thì nhận được kết quả từ Chi cục Thú y vùng III là dương tính với dịch tả lợn châu Phi".


Tiêu hủy lợn bị dịch ở xã Nậm Nhoóng - Quế Phong. Ảnh: Cường Bá Thò
UBND huyện Quế Phong lập tức ban hành QĐ số 414 ngày 15/7 để công bố dịch tại địa bàn xã Nậm Nhoóng sau khi có kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng III. Xã cũng đã tiến hành tiêu hủy lợn trong ngày.
Như vậy đến ngày 15/7, Nậm Nhoóng là xã thứ 8/14 xã, thị trấn của huyện Quế Phong bị dịch tả lợn châu Phi. Xã đầu tiên bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi là Quế Sơn và đã được UBND huyện Quế Phong công bố  theo QĐ 377, ngày 13/6 với 25 con lợn.


Phiếu xét nghiệm dương tính lợn bị dịch tả châu Phi ở Quế Phong. Ảnh: Cường Bá Thò

8 xã của huyện Quế Phong bị dịch tả lợn châu Phi theo thứ tự gồm: Quế Sơn, Tri Lễ, Cắm Muộn, Châu Thôn, Quang Phong, Tiền Phong, Châu Kim. Tổng đàn lợn đã bệnh, chết, tiêu hủy là gần 250 con với trọng lượng  6.829 kg.
Từ khi công bố Quyết định đầu tiên về dịch tả lợn châu Phi đến nay, UBND huyện Quế Phong đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan, các xã lập chốt kiểm soát ở tất cả các xã bị dịch và các xã bị uy hiếp 24/24. Nhưng do đặc thù của Quế Phong là bà con chăn nuôi lợn cỏ theo hình thức thả rông trên nương rẫy nên rất khó kiểm soát. 
 Hùng Cường (Báo Nghệ An)

Tiếp tục thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Nghệ An về việc giao Viện KSND tỉnh giúp đỡ xã nghèo miền núi Đồng Văn, huyện Quế Phong, ngày 11/7/2019, Viện KSND tỉnh Nghệ An phối hợp với UBND xã Đồng Văn tổ chức Lễ cắt băng khánh thành và bàn giao nhà ở cho hộ gia đình ông Lang Văn Thi là gia đình thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lâu nay sống trong căn nhà tranh dột nát, tạm bợ.


Đồng chí Dương Thị Liên – Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh và đại diện UBND xã Đồng Văn cắt băn khánh thành và bàn giao nhà cho gia đình ông Lang Văn Thi 
Với tinh thần tương thân tương ái, mỗi cán bộ, người lao động ngành Kiểm sát Nghệ An đã đóng góp một ngày lương với tổng số tiền gần 90 triệu đồng để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình ông. Nhờ sự quan tâm phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, sau hơn 02 tháng thi công, ngôi nhà cấp bốn 2 gian, được xây dựng kiên cố đã hoàn thành. Đồng chí Dương Thị Liên – Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh dẫn đầu đoàn công tác cắt băng khánh thành, bàn giao công trình cho gia đình ông Thi.
Tại buổi lễ, đồng chí Dương Thị Liên đã thay mặt toàn thể công chức, người lao động Viện KSND hai cấp tỉnh Nghệ An chia sẻ, đồng cảm với những khó khăn của người dân xã Đồng Văn nói chung, gia đình ông Thi nói riêng. Đồng chí mong gia đình ông Thi từ nay sẽ yên tâm sống trong ngôi nhà mới khang trang và mong muốn chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm giúp đỡ gia đình ông.
Thay mặt chính quyền địa phương và gia đình ông Lang Văn Thi, đồng chí Lương Thái Quý, Chủ tịch UBND xã Đồng Văn đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi, lòng biết ơn đến tập thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Kiểm sát Nghệ An trong thời gian vừa qua đã quan tâm giúp đỡ đối với nhân dân xã Đồng Văn nói chung cũng như gia đình ông Thi nói riêng; đồng chí mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, sẻ chia của cán bộ, công chức, người lao động Viện KSND tỉnh đối với xã nghèo Đồng Văn. 

Đồng chí Dương Thị Liên thăm hỏi ông Lương Văn Thi
Cùng trong chuyến công tác, Hội Cựu chiến binh - Chi đoàn Viện KSND tỉnh đã trao 02 phần quà trị giá 5.000.000 đồng cho ông Hà Ngọc Châu và ông Lương Ánh Chuyển là hai Cựu chiến binh bị ảnh hưởng chất độc da cam, hoàn cảnh gia đình khó khăn hiện đang sinh hoạt tại Chi hội bản Đồng Mới, xã Đồng Văn và trao phần quà trị giá 3.000.000 đồng cùng các vật dụng phục vụ cho việc học tập cho em Hà Thảo Lê, học sinh lớp 8B Trường THCS Đồng Văn - là học sinh Chi đoàn Viện KSND tỉnh đỡ đầu theo sự phân công của Tỉnh đoàn. Các phần quà trên được các Cựu chiến binh - Đoàn viên chi đoàn Viện KSND tỉnh đóng góp và từ các hoạt động gây quỹ trong đơn vị.

Hội Cựu chiến binh - Chi đoàn Viện KSND tinh tặng quà 02 Cựu chiến binh và em Hà Thảo Lê
Phát biểu tại buổi trao quà, đồng chí Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Viện KSND tỉnh phát biểu động viên các đồng chí Cựu chiến binh xã Đồng Văn luôn là giữ vững những phẩm chất của người Bộ đội cụ Hồ là tấm gương cho con cháu noi theo, đồng thời đồng chí mong muốn Lãnh đạo hai đơn vị quan tâm, tạo điều kiện để hai Hội Cựu chiến binh có nhiều thời gian gặp mặt trao đổi và giúp đỡ lẫn nhau để ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của hai Hội; Cũng tại buổi trao quà, đồng chí Nguyễn Thị Hải – Bí thư Chi đoàn thay mặt toàn thể đoàn viên trong Chi đoàn quan tâm, động viên em Hà Thảo Lê tiếp tục cố gắng vượt lên khó khăn, phấn đấu đạt thành tích cao trong học tập, Chi đoàn Viện KSND tỉnh sẽ luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với em và gia đình.
Theo Nguyễn Đình Hồng (Kiểm Sát Online)

Trên địa bàn huyện Quế Phong đã có 8/14 xã xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, để góp phần vào công tác phòng chống dịch trên địa bàn huyện, mọi người cần chú ý những nội dung sau:“5 không” trong phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

5 Không: 
1. Không giấu dịch.
2. Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết.
3. Không giết mổ tiêu thụ.
4. Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
5. Không vứt lợn chết ra môi trường.


10 Cấm : 

      “1 CẤM”: Sử dụng thức ăn thừa của người, các phụ phẩm chế biến từ nhà bếp chưa xử lý nhiệt cho lợn ăn. Trong thức ăn thừa hoặc phụ phẩm chế biến từ nhà bếp có thể lẫn thịt lợn, các sản phẩm chế biến thịt lợn nhiễm virus ASF.  

      “2 CẤM”: Đưa thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn từ bên ngoài vào trang trại.  Có thể sử dụng lợn nuôi tại trại làm thực phẩm. Cần chủ động tìm nguồn cung cấp thực phẩm uy tín, rõ nguồn gốc cho trại. Nhà ăn bố trí xa khu chăn nuôi, có người nấu ăn riêng cho cán bộ và công nhân làm việc trong trại, có rãnh thoát nước riêng từ nhà bếp vào hố biogas.  
      “3 CẤM”: Động vật hoang dã vào trại lợn, cấm nuôi và thả rông các động vật khác trong trại. Phòng các loại động vật (lợn hoang, chó, mèo, dơi, chuột) vào trại. Nuôi nhốt chó và kết hợp quản lý phòng dịch bên trong trại. 
       “4 CẤM”: người chăn nuôi bên ngoài, người lạ vào trại khi chưa được phép. Tất cả người lạ, khách thăm quan trước khi vào chuồng, trại cần phải nghỉ cách ly lợn quy định mới được vào trong trại. Khi vào trại thực hiện sát trùng, tắm, thay quần áo, dung cụ thiết bị đặt trong tủ UV 5 phút. Thay ủng trước khi vào mỗi chuồng nuôi.  
      “5 CẤM”: Mang đồ sinh hoạt cá nhân, túi xách và thiết bị cá nhân vào chuồng nuôi. Các dung cụ, thiết bị cần thiết mang vào (bút, sổ sách, điện thoại) cần phải khử trùng trong tủ UV tối thiểu 5 phút. Tuyệt đối không mang túi xách, ví vào trong chuồng nuôi.  
      “6 CẤM”: Xe vận chuyển bên ngoài vào khu vực chăn nuôi, đặc biệt xe vận chuyển phân, lợn. Các xe cung ứng cám, thuốc cần thiết vào trại cần sát trùng kỹ, cách ly quy định vào đỗ tại những nơi quy định. Xuất bán lợn tại cầu cân gần hàng rào xa chuồng nuôi, có điểm rửa – sát trùng trước và sau khi xuất bán lợn. 
     “7 CẤM”: Tuyệt đối các xe mua lợn sống, xe mua lợn loại vào trong trang trại chăn nuôi. Nên vận chuyển lợn bằng xe nội bộ ra điểm bán tập trung rồi bán cho khách sẽ giảm thiểu rủi ro.  
     “8 CẤM”: Vận chuyển lợn giống, hậu bị thay đàn từ vùng dịch vào trong trang trại chăn nuôi. Khi bắt buộc phải nhập hậu bị cần nuôi cách ly bên ngoài trại, xét nghiệm – kiểm tra định kỳ và đảm bảo mới cho nhập đàn.
      “9 CẤM”: Sử dụng nước sông, hồ tự nhiên làm nước uống cho lợn vì tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh (ASF, FMD, PRRS) rất cao. Nếu bắt buộc phải sử dung nước mặt từ các hồ chứa cần có hệ thống xử lý lọc đảm bảo, trước khi sử dung cho lợn cần khử trùng bằng Chloramin B.
    “10 CẤM” : Bán hoặc giết mổ lợn ốm, lợn chết hoặc đưa lợn ốm, chết ra khỏi trại. Cần được xử lý ngay trong trại để giảm thiểu rủi do từ xe khách đến mua lợn chết đến từ trại khác hoặc vùng có dịch tạo ra nguy cơ lây lan bùng phát bệnh cho các trang trại khác. Bán – giết mổ lợn ốm, lợn chết là hành vi vi phạm pháp luật.

THEO  NGUYỄN VĂN MINH (ANIMAL HEALTH MANAGER)


Xi nhan được hiểu là tín hiệu xin đường của người điều khiển ô tô, xe máy nhằm đảm bảo an toàn cho mình và các phương tiện khác cùng đang di chuyển trên đường. Tuy nhiên, lỗi không xi nhan lại là một lỗi tương đối phổ biến mà ai cũng từng mắc ít nhất một lần.

Khi nào người đi ô tô, xe máy phải bật xi nhan?


Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về các trường hợp người đi ô tô, xe máy bắt buộc phải bật xi nhan như:
- Khi chuyển làn đường:
Điều 13 quy định: Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, lái xe phải cho xe đi trong một lần đường và chỉ được chuyển làn ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải bảo đảm an toàn.
- Khi chuyển hướng xe:
Điều 15 quy định: Khi muốn chuyển hướng xe, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng xe.
Đồng thời, trong khi chuyển hướng, người lái xe phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại cho hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

Như vậy, theo quy định, người lái xe máy, ô tô phải bật xi nhan khi rẽ phải, rẽ trái, quay đầu xe, vượt xe khác, khi chạy vào lề đường để dừng đỗ xe. Ngoài ra, trong thực tế, lái xe cũng nên xi nhan khi đi qua vòng xuyến, đi theo đường cong, đi qua ngã 3 chữ Y… để đảm bảo an toàn.

Mức phạt đối với lỗi không xi nhan 2018

Hiện nay, các quy định về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ được áp dụng theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Theo đó, lỗi không xi nhan bị phạt như sau:
Đối với người điều khiển ô tô:
- Phạt từ 300.000 – 400.000 đồng nếu chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước (điểm a, khoản 2 Điều 5);
- Phạt từ 600.000 – 800.000 đồng nếu chuyển hướng không có tín hiệu báo hướng rẽ (điểm c khoản 3 Điều 5);
- Phạt từ 800.000 – 1.200.000 đồng nếu chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc (điểm h khoản 4 Điều 5).
Đối với người điều khiển xe máy:
- Phạt từ 80.000 đồng – 100.000 đồng nếu chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước (điểm a khoản 2 Điều 5);
- Phạt từ 300.000 – 400.000 đồng nếu chuyển hướng không có tín hiệu báo rẽ (điểm a khoản 4 Điều 6).
Trên đây là các trường hợp phải bật xi nhan và mức phạt với lỗi không xi nhan theo quy định hiện hành của pháp luật. Người điều khiển phương tiện nên ghi nhớ những thông tin này không bị phạt và hơn hết, để đảm bảo an toàn cho chính mình.


Hiện nay, mọi người đều nghĩ chê người khác chỉ là trêu ghẹo vô hại. Thế nhưng, việc làm này có thể bị phạt nặng.

Chê người khác béo – xúc phạm danh dự, nhân phẩm?

Hiện nay không thiếu trường hợp vì vui đùa mà trêu ghẹo về những khiếm khuyết của người khác như: chê người ta béo, gầy, lùn, cao… Đây chính là một trong vô số những biểu hiện của hành vi miệt thị ngoại hình người khác
Trong đó, những người này sẽ dùng ngôn ngữ chế giễu, chê bai ngoại hình người khác khiến họ khó chịu, cảm thấy bị xúc phạm, thậm chí bị chế giễu nhiều quá còn khiến người đó bị trầm cảm, có thể còn tìm đến cái chết.
Mặc dù việc làm nhục người khác chưa được quy định rõ ràng gồm những hành vi nào nhưng việc chế giễu, chê bai ngoại hình người khác bằng cách trực tiếp hay gián tiếp cũng là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó.
Theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, danh dự, nhân phẩm, uy tín của một người được pháp luật bảo vệ và mọi người có nghĩa vụ phải tôn trọng.
Bởi vậy, có thể thấy, việc dùng ngôn ngữ, cử chỉ… để miệt thị ngoại hình của người khác là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Và đến một mức độ nghiêm trọng nào đó có thể sẽ bị xử lý rất nặng!
Bởi danh dự, nhân phẩm được pháp luật bảo vệ nên bất kỳ hành vi nào xâm phạm sẽ bị xử lý theo quy định. Theo đó, người nào chê bai người khác có thể sẽ bị xử phạt hành chính và nặng hơn có thể bị xử lý hình sự.
Chê người béo có thể bị phạt nặng (Ảnh: Internet)

Xử phạt hành chính
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.
Chịu trách nhiệm hình sự
Nếu tính chất, mức độ của một trong các hành vi đủ để người đó phải chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm về Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
Trong đó, nếu sử dụng một trong các hành vi sau đây thì sẽ chịu một trong các mức phạt:
STT
Hành vi
Mức phạt
1
Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác.
- Phạt cảnh cáo; hoặc
- Phạt tiền từ 10 triệu đồng – 30 triệu đồng; hoặc
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2
- Phạm tội với 02 người trở lên;
- Với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Với người đang thi hành công vụ;
- Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
- Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử
Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm
3
- Gây rối loạn tâm thần, hành vi của nạn nhân với mức tổn thương từ 61% trở lên;
- Làm nạn nhân tự sát.
Phạt tù từ 02 năm – 05 năm

Mức bồi thường thiệt hại khi chê bai người khác

Không chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà người nào miệt thị ngoại hình người khác còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị xúc phạm, bôi nhọ, chế giễu.
Theo quy định tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015, nếu người nào xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì phải bồi thường thiệt hại cho người đó. Cụ thể, các mức bồi thường gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
- Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do hình vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác gây ra.
Những chi phí này các bên có thể thỏa thuận với nhau. Nếu không thỏa thuận được thì tối đa không quá mười lần mức lương cơ sở.
Như vậy, khi không còn là vui đùa nữa thì hậu quả người đi chê bai, miệt thị ngoại hình người khác có thể phải chịu là rất nặng. Do đó, nên thông minh và tinh tế khi khen, chê sao cho đúng người, đúng lúc và đúng pháp luật.
The Nguyễn Hương (Luatvietnam.vn)

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.