Cần bảo tồn, nhân rộng giống trà quý

Trà hoa vàng là loài hoa quý hiếm của bà con dân tộc Thái ở huyện Quế Phong (Nghệ An). Hiện sản phẩm từ những bông hoa này đang thu hút sự chú ý không chỉ ở địa phương mà còn rất nhiều tỉnh thành của cả nước.
Tại huyện Quế Phong, cây trà hoa vàng mọc ở nhiều nơi, tập trung nhiều ở các xã Thông Thụ và Đồng Văn. Loài cây này mọc tự nhiên, có nhiều dược tính quý hiếm và cho giá trị kinh tế cao. Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch huyện Quế Phong cho biết, cây trà hoa vàng mọc tự nhiên trong rừng. Bà con dân tộc Thái chỉ ưa khai thác tự nhiên, khi cần thì vào rừng hái nụ hoa tươi về ngâm rượu hoặc nấu canh như một loại rau rừng hoặc phơi khô, pha nước uống như uống nước chè xanh. “Giờ huyện có cơ sở sản xuất chè từ trà hoa vàng rồi. Từ tháng 11 năm nay đến tháng 1 năm sau hễ trời nắng là bà con vào rừng hái hoa về nhập cho cơ sở. Sản phẩm đóng thành gói bán ở địa phương và các đại lý với giá 4,6 triệu đồng/kg. Ở huyện miền núi nghèo như Quế Phong có mặt hàng bán được giá như thế là quý hiếm lắm” - ông Giáp nói.

Vừa qua, Trung tâm ứng dụng Khoa học Công nghệ Hà Nội đã giới thiệu loại máy sấy với chức năng hút hơi ẩm trong buồng sấy. Máy sấy này ưu việt gấp nhiều lần so với sấy thủ công sấy bằng bóng điện (đèn sưởi). Vừa bảo ôn nhiệt vừa đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm lại giữ được hoạt chất dược liệu quý trong búp trà hoa vàng.
Do cây trà hoa vàng hiếm, huyện Quế Phong đã có chủ trương phát triển bảo tồn cây dược liệu quý này. Song song với việc cấm chặt phá cây trà hoa vàng, huyện còn lồng ghép nhiều chương trình dự án để phát triển cây trà hoa vàng, đồng thời chỉ đạo trung tâm khuyến nông tiến hành ươm giống để cung ứng cho người dân.
Đặc biệt, huyện Quế Phong còn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm chè hoa vàng ngay tại địa bàn, nâng cao chất lượng sản phẩm mang thương hiệu Quế Phong. Công ty Xanh, một trong những đơn vị mạnh dạn đầu tư thiết bị chế biến chè tươi thành sản phẩm cao cấp chè hoa vàng. Mặt khác, công ty còn chế biến chè đóng túi lọc nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong cả nước.

Trước giá trị kinh tế, giá trị dược liệu lớn của cây trà hoa vàng, UBND huyện Quế Phong xây dựng đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu này giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu đến năm 2020 trồng được 5 héc-ta cây trà hoa vàng. Tuy nhiên, để đề án thành công, đòi hỏi phải tạo được chuỗi sản xuất khép kín, từ nuôi cây giống, trồng chăm sóc, thu mua, chế biến và thị trường tiêu thụ. Vì thế, trước mắt huyện quan tâm khuyến khích các hộ dân bảo tồn những khu vực đã có, vùng nào có mật độ dày thì hỗ trợ chính sách khoanh nuôi bảo vệ, đồng thời khuyến khích các hộ dân trồng dặm bổ sung thành vùng tập trung theo quy hoạch để đảm bảo vùng nguyên liệu ổn định, từ đó thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.
Hiện nay, đang có một số dự án trồng trà hoa vàng tại huyện Quế Phong và huyện Tương Dương nhằm bảo tồn nguồn dược liệu quý, đồng thời tạo nguồn lợi kinh tế cho người trồng.
đã đăng trong

Đăng nhận xét

[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.